Chính biến Sa Khâu Triệu_Cao

Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đi tuần du ở Kê Sơn, dẫn theo Hồ Hợi, Triệu Cao cùng với thừa tướng Lý Tư và tướng Mông Nghị[3][4]. Đến tháng 8 năm đó, xa giá của ông ta đến Bình Nguyên[5] thì Thủy Hoàng bệnh nặng, đến cung Sa Khâu thì bệnh tình đã nguy cấp, bèn viết chiếu triệu công tử cả là Phù Tô về kinh đô Hàm Dương[6] để lo tang lễ và nối ngôi rồi cho Triệu Cao chuyển thư đi giao cho Mông Điềm (anh Mông Nghị, đang ở cùng Phù Tô), nhưng đột nhiên Thủy Hoàng lại qua đời[3], nên bức thư ấy lại được giữ ở trong chỗ của Triệu Cao.

Cái chết của Tần Thủy Hoàng chỉ có Triệu Cao, Lý Tư, Hồ Hợi và vài hoạn quan biết. Lý Tư thấy vua mất ở ngoài, không có thái tử chân chính, nên giấu kín việc ấy và đặt Thủy Hoàng trong cái xe mát, sinh hoạt như thường. Khi có ai tấu điều gì thì một viên hoạn quan ngồi trong xe chuẩn y lời tâu[3][4].

Triệu Cao thấy rằng công tử Phù Tô tin tưởng Mông Điềm, bèn tìm cách đổi di chiếu để Hồ Hợi lên ngôi. Ông nói với Hồ Hợi:

-"Hoàng đế mất, không có chiếu phong các con làm vương mà chỉ gửi thư cho con cả là Phù Tô, nếu Phù Tô đến Hàm Dương thì lập tức được lập làm hoàng đế. Còn ông không có một tấc đất, bây giờ làm thế nào?"

Sau đó ông bày mưu với Hồ Hợi sửa di chiếu, Hợi ban đầu không đồng ý, nhưng sau đó được ông thuyết phục nên đành nhận. Cao lại bàn với Lý Tư. Tư sợ khi Phù Tô lên ngôi sẽ dùng Mông Điềm mà bỏ mình, nên rốt cuộc nhận lời. Triệu Cao bèn giả di chiếu lập Hồ Hợi làm thái tử và giam Mông Nghị ở Đại Quận.